HAI BÁT MÌ

Vào một buổi chiều mùa thu mát mẻ và yên bình, trong ánh hoàng hôn muộn nhuộm

màu vàng nhẹ, hai cha con nắm tay nhau đi trên con đường đầy rêu phong của

một thị trấn nhỏ. Người con trai nhẹ nhàng dìu cha bước lên từng bậc cửa của

một quán ăn nằm kín đáo ở một góc đường và tại đây cậu gọi hai bát mỳ.

Câu chuyện và những hành động sau đó của họ khiến tất cả những ai chứng

kiến đều xúc động và suy tư, trăn trở về biết bao điều.

Người cha nắm chặt tay con trai khi bước đi, đôi mắt ông đục màu, vô hồn và lơ đãng.

Hóa ra ông bị mù. Con trai ông là một cậu bé khôi ngô, từng cử chỉ của cậu vô cùng

ấm áp và lịch sự. Cậu bé chừng 18 tuổi và vẫn đang mặc bộ đồng phục ở trường.

Có lẽ vừa tan học, cậu bé đã chạy ngay về nhà và đưa cha đi ăn.

Vừa bước vào tới cửa, cậu bé nói to: “Cho cháu hai bát mỳ bò!”, nhưng chưa kịp để

người chủ viết hóa đơn, cậu bé nhanh chóng xua tay. Cậu dẫn cha vào chỗ ngồi rồi

quay lại nói thầm với bà chủ: “Cho cháu một bát mỳ bò thôi, bát còn lại bác chỉ cần

thêm một chút hành lá là được rồi ạ.” Thái độ lễ phép và những lời nói chân thành của cậu bé khiến bà chủ lặng người, mãi cho tới khi hiểu ra sự việc, bà mỉm cười gật đầu đồng ý với cậu bé.

Nhà bếp nhanh chóng mang lên hai bát mỳ nóng hổi. Cậu bé không quên nói lời

cảm ơn rồi đưa bát mỳ bò đến chỗ cha, giọng nói đầy háo hức: “Có mỳ bò rồi cha ơi.

Cha ăn nhanh đi kẻo nguội ạ.” Cậu bé lấy một đôi đũa, lau thật sạch rồi đặt vào tay cha.

Không vội ăn ngay, cậu ngồi quan sát cha để xem ông có thể gắp được mỳ không hay

liệu ông có vô tình đụng tay vào bát mỳ mà bị bỏng hay bị nóng.

Nghe lời thúc giục của con trai, người cha cầm đôi đũa và gắp qua gắp lại trong bát mỳ.

Vì không thể nhìn được nên mọi việc đối với ông đều vô cùng khó khăn, chính vì thế trong

lúc gắp mỳ những cái nhíu mày đưa theo từng cử chỉ của đôi tay. Mãi cho tới khi gắp

được một miếng thịt bò, những nếp nhăn trên gương mặt già nua, đen sạm của

ông mới giãn ra một chút.

Như một phản xạ tự nhiên, ông đưa miếng thịt về phía trước và bỏ vào bát con trai.

Dù không nhìn thấy nhưng qua giọng nói của con, ông có thể xác định vị trí ngồi của

nó và bát mỳ trên bàn. Ông mỉm cười hạnh phúc động viên con: “Con trai ăn đi.

Ăn nhiều để lấy sức học, năm nay con thi tốt nghiệp đó. Nếu con đỗ đại học thì cha

sẽ mừng lắm, không khéo mắt có thể sáng trở lại.” Ông vừa nói vừa cười khà khà,

giống như nụ cười ấm áp, mãn nguyện của một lão nông chất phác, hiền hậu.

Rồi ông liên tục gắp thịt trong bát của mình bỏ sang bát của con.

Ngồi nhìn cha, đôi mắt cậu bé đỏ hoe từ lúc nào không rõ. Mỗi lần cha bỏ một miếng thịt

vào bát của cậu, cậu bé đều nói lời cảm ơn cha sau đó âm thầm gắp miếng thịt bỏ lại

vào bát của cha mình. Hai cha con cứ ngồi như thế, người gắp qua, người gắp lại.

Khi để ý thấy mỳ đã nở hết cả, cậu con trai tìm cách ngăn cha lại: “Cha ơi, cha mau ăn mỳ đi.

Bát của con đầy ắp rồi, nhiều quá con không ăn hết được đâu cha ạ.” Nghe con trai nói,

ông lão mới dừng lại và gắp từng sợi mỳ bỏ vào miệng. Họ ngồi ăn trong im lặng và mỗi

người theo đuổi những cảm xúc khác nhau. Có lẽ ông lão đang rất vui mừng và hạnh phúc,

bởi ông nghĩ hôm nay con trai đã được ăn món ngon, ông lại có cơ hội nhường cho con

phần của mình. Cậu con trai có lẽ hiểu được niềm hân hoan trong lòng cha, và cậu

hạnh phúc khi thấy cha hạnh phúc.

Ngồi ở quầy bán, bà chủ quán lặng lẽ lắng nghe câu chuyện của hai cha con. Sau đó

bà mang tới cho họ một đĩa thịt vừa xào. Cậu bé thấy vậy, ngỡ ngàng quay ra thắc mắc:

“Bác có nhầm lẫn gì rồi ạ. Cháu không gọi món thịt xào này.” Bà chủ mỉm cười hiền lành, vừa vỗ nhẹ vào vai cậu bé, vừa nói: “Không nhầm, không nhầm. Hôm nay cửa hàng của bác kỉ niệm một năm khai trương. Đây là món quà thể hiện sự tri âm khách hàng. Hai cha con dùng đi.”

Cậu bé không hỏi gì thêm, cảm ơn bà chủ rồi gắp thịt vào bát của cha. Phần còn lại cậu cho vào một chiếc túi nhựa để mang về.

Ăn xong, cậu con trai tới chỗ quầy bán thanh toán tiền rồi hai cha con lại nắm tay nhau, đi về trên con đường rêu phong ban nãy. Khi bà chủ quán dọn bàn ăn, bà vô cùng ngỡ ngàng phát hiện dưới bát mỳ là số tiền vừa đủ trả một đĩa thịt xào theo bảng giá treo trên tường.

Câu chuyện của hai cha con và cách hành xử của cậu bé giúp chúng ta nhận ra giá trị của

tình thương và lòng tự trọng. Trong hoàn cảnh khó khăn, nhờ tình thương dành cho nhau

mà lòng tự trọng của họ đã tỏa sáng. Dù đói, dù có thể rất lâu rồi họ không biết hương vị một

bát mỳ thịt như thế nào, nhưng cả cha và con đều muốn dành phần ngon nhất, phần tốt đẹp

nhất cho người kia. Không những vậy, cách thể hiện tình thương của họ cũng vô cùng tinh tế,

bởi họ dường như thấu hiểu tất cả tâm tình sâu kín của nhau.

Cậu con trai biết rằng nếu cha thấy cậu bé chỉ gọi một bát mỳ thịt cho ông, cha sẽ không

bao giờ đồng ý, chính bởi vậy khi vừa vào cửa hàng, cậu đã gọi lớn tiếng nhưng sau đó thì

thầm “đính chính” lại thông tin với bà chủ. Cậu hiểu tất cả nỗi lòng của cha, và lời nói dối ấm

áp và khéo léo ấy là để cha yên lòng, để cha an tâm tận hưởng bát mỳ thịt. Trong khi đó,

người cha dù đôi mắt không thấy gì nhưng tình thương con đã giúp ông làm những điều tốt

đẹp cho con. Có thể ông biết sự việc chân thực nhưng cố tình không nói và cứ thế ngồi gắp

thịt cho con. Cũng có thể ông không biết sự thật, chính vì vậy mỗi miếng thịt dành cho con

của ông không dừng lại ở sự chia sẻ, nó còn là sự cho đi hết mình, cho đi tất cả.

Không cần thứ vật chất gì hoa mỹ, cũng không cần giàu sang no đủ, ngay trong đói khổ họ vẫn

có thể lo cho nhau, bao dung lấy nhau. Họ hiểu rằng có những bất hạnh, những mất mát mà vật

chất không thể lấp đầy được. Chỉ có tình thương yêu, lòng đồng cảm mới có thể thẩm thấu vào

mỗi vết thương của họ, chữa lành và xóa đi những vết sẹo. Mỗi cử chỉ, lời nói của họ đều thể hiện

sự trân trọng sâu sắc, họ trân trọng sự có mặt của nhau, trân trọng những tháng ngày họ đang được

sống bên nhau, được cùng nhau trải qua nắng mưa thăng trầm.

Không chỉ tình cha con, bà chủ quán với đĩa thịt miễn phí cũng là minh chứng cho những tình cảm

cao đẹp giữa con người. Hơn nữa, mọi hành động của bà từ lúc hai cha con bước vào cho tới khi

họ rời đi như vẽ ra một bức tranh mà ở đó sự cảm thông và tấm lòng biết sẻ chia đã làm nên linh

hồn cho một tuyệt tác. Quả thực, lòng tốt sẽ sinh ra lòng tốt, lòng tốt sẽ tự biết lan truyền và thấm

sâu vào lòng con người. Tình cảm của hai cha con đã khiến bà xúc động, và một cách vô cùng

tự nhiên, bà đã hành động theo những tiếng nói của trái tim mình.

Có một điều chắc chắn rằng làm nên giá trị cho cuộc sống này không chỉ ở những vật chất hay

tiến bộ khoa học kĩ thuật. Cuộc sống đáng được nâng niu và coi trọng vì cuộc sống là nơi có những

tấm lòng, những trái tim giàu tình yêu thương, biết san sẻ với những mảnh đời bất hạnh, biết cho đi

và không mong cầu nhận lại.

Lý Minh